19/03/2024
Trang phục truyền thống các dân tộc ở Hà Giang

Trang phục truyền thống các dân tộc ở Hà Giang

Sắc mầu trang phục truyền thống các dân tộc ở Hà Giang

Đến với du lịch Hà Giang, nơi quần tụ sinh sống của 23 dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc đều có những sắc thái riêng, độc đáo. Và một trong những điểm nhấn tạo nên sắc thái riêng của mỗi dân tộc chính là trang phục truyền thống các dân tộc vùng cao nơi đây.

Bộ trang phục truyền thống của mỗi dân tộc có kiểu dáng, màu sắc và cách trang trí hoa văn khác nhau. Nếu như  trang phục của dân tộc Tày, một số nhóm Nùng… khá giản  dị về kiểu dáng, màu sắc thì trang phục đồng bào Lô Lô, Dao… lại cực kỳ phong phú về hoa văn cũng như cách tạo dáng.

Tham khảo thêm cách đi du lịch từ Hà Nội đi Hà giang bằng phương tiện xe Limousine đi Hà Giang từ Hà Nội đón tại trung tâm thành phố và một số khách sạn ở phố cổ

Với sắc chàm làm chủ đạo, trang phục của các dân tộc Tày, Nùng, Giáy mang dáng vẻ dịu dàng, đằm thắm khi kết hợp áo dài năm thân hoặc áo ngắn với quần. Để tăng thêm phần nền nã cho bộ trang phục, các bà, các cô thường thắt lưng bằng vải sáng màu, đeo vòng cổ, xà tích bằng bạc… Ngược lai với các dân tộc này, trang phục của một số dân tộc vùng cao lại nổi bật với những gam màu nóng. Màu đỏ trên trang phục của phụ nữ Pà Thẻn được ví như những con chim lửa. Sắc đỏ được lặp đi lặp lại, từ khăn đội đầu, áo, váy đến những tua vải trang trí…

Trang phục nữ giới Dao Đỏ lại tạo ấn tượng sâu sắc cho những ai một lần chiêm ngưỡng bằng những chùm bông đỏ rực nơi nẹp áo, những đường chỉ viền, chỉ thêu ẩn hiện với các hoa văn hình quả trám, hình soắn ốc… Cũng là sắc nóng nhưng bộ trang phục của đồng bào Lô Lô lại có độ trầm hơn bởi cách phối màu, sự kết hợp của nhiều loại hình thêu thùa công phu. Nhiều nhà nghiên cứu đã phải thốt lên rằng “Thật khó có thể so sánh y phục của họ với các dân tộc khác sống trên đất nước ta bởi sự cầu kỳ và rực rỡ của nó”.

Sắc mầu trang phục truyền thống các dân tộc ở Hà Giang
Sắc mầu trang phục truyền thống các dân tộc ở Hà Giang

Trang phục của dân tộc này nổi bật bởi mật độ hoa văn dày đặc và những mô típ hoa văn hình học (hình tam giác, hình vuông). Hoa văn được tạo nên bởi kỹ thuật nhuộm, thêu tay, ghép vải màu, đính cườm, đính tua vải… Thay vì những mảng hoa văn dày đặc của trang phục Lô Lô, trang phục nữ giới Mông lại sử dụng những mảng vải màu tươi sáng, có xu hướng bắt sáng như gấm, nhung… Trên bộ trang phục của họ, các mô típ hoa văn được bố trí tập trung vào các vị trí như cổ áo, tay áo, thắt lưng.

Phụ nữ Mông mặc áo cánh trắng ở trong, áo xẻ ngực không cúc ở ngoài, kết hợp với váy xếp ly. Với dân tộc này, sự phong phú ở dáng điệu, hoa văn còn thể hiện ở các nhóm Mông khác nhau. Ví như phụ nữ Mông Trắng mặc váy trắng thì váy của phụ nữ Mông Hoa lại được trang trí hoa văn bằng cách in sáp ong hoặc thêu thùa công phu… Trên cùng một địa bàn cư trú, trang phục của người Pu Péo cũng là một điểm nhấn trên cao nguyên đá Đồng Văn. Chiếc váy xếp màu đen, chiếc áo xẻ nách ở bên phải có viền vải màu vắt chéo sang bên sườn. Trên cổ áo, gấu áo được trang trí những dải hoa văn hình quả trám xen lẫn các hoa văn hình học. Có thể nói, hoạ tiết hoa văn được sử dụng trong trang phục nữ giới Pu Péo dù ít nhưng đã tạo được hiệu quả thẩm mỹ nhất định.

Bạn hãy nên tham khảo qua bài Kinh nghiệm du lịch Hà Giang để biết thêm các thông tin cần thiết cho chuyến du lịch khám phá vẻ đẹp phong cảnh Hà Giang lẫn con người nơi đây.

Bộ trang phục truyền thống của các dân tộc còn thể hiện rõ điều kiện địa hình, khí hậu nơi đồng bào sinh sống. Thực tế đã chứng minh, nếu như ở vùng thấp với những ruộng nước uốn lượn, khí hậu nóng ẩm đã tạo cho bộ trang phục người Tày, Nùng… có kiểu dáng đơn giản, hoa văn, màu sắc cũng được sử dụng hết sức tiết chế, trong khi đó trang phục của những dân tộc sống trên núi cao với khí hậu lạnh như người Dao, Mông, Lô Lô lại rực rỡ sắc màu, kiểu dáng nhiều lớp lang.

Người ta trang trí hoa văn lên trang phục vừa để làm đẹp vừa góp phần tăng thêm sự dày dặn cho bộ trang phục. Vậy nên có ý kiến cho rằng trang phục các dân tộc vùng cao thường gây cảm giác dư thừa về màu sắc. Tuy nhiên, khi đặt bộ trang phục của họ trong môi trường sinh sống, mới thấy sự hợp lý của nó. Một cô gái Mông với váy áo tươi mới như một đoá hoa lung linh trong sắc trời vùng cao hay cô gái Pà Thẻn rực rỡ giữa màu xanh của núi rừng cây lá… chẳng phải là bức tranh sinh động về sức sống mãnh liệt của con người nơi đây sao.

Sắc mầu trang phục các dân tộc vùng cao ở Hà Giang
Sắc mầu trang phục các dân tộc vùng cao ở Hà Giang

Bộ trang phục truyền thống của mỗi dân tộc đều được tạo nên dưới bàn tay cần cù, khéo léo của các bà, các mẹ. Sự tinh tế trong từng đường thêu, nét chỉ đã khiến cho mỗi bộ trang phục của đồng bào như những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Mỗi bộ trang phục còn mang trong nó cả một nền tảng về lối sống của dân tộc đó. Cho đến tận bây giờ những cô gái chăm chỉ, khéo tay thêu thùa… vẫn là niềm mong ước của các chàng trai khi đi chọn vợ, là nàng dâu mà gia đình nào cũng mong muốn.

Ngày hôm nay, nhằm gìn giữ những giá trị truyền thống của các dân tộc, các ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều tác động tích cực, khơi dạy nghề thêu thổ cẩm bằng cách mở các lớp thêu thổ cẩm cho chị em phụ nữ, hình thành các tổ nhóm sản suất thổ cẩm… Với tay nghề khéo léo, khiếu thẩm mỹ tinh tế, các loại mô típ hoa văn phong phú, sử dụng các loại màu nhuộm từ cây cỏ rất có lợi cho sức khoẻ… sản phẩm thổ cẩm Hà Giang đã được khách hàng trong và ngoài nước biết đến và ưa thích.

Đây là một trong những điểm mạnh để thổ cẩm Hà Giang khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên để những sản phẩm thổ cẩm của đồng bào được biết đến nhiều hơn nữa, giúp người dân có thêm thu nhập từ nghề truyền thống của mình thì việc tìm kiếm thị trường cho các làng nghề là vô cùng cần thiết. Khi đó, không chỉ giúp cho người dân vùng cao phát huy được nghề truyền thống của mình trong xoá dói giảm nghèo mà còn góp phần gìn giữ một trong những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào vùng cao Hà Giang.

Đời sống của con người ngày càng nâng cao, cũng từ đó mà văn hóa càng bị héo mòn đi theo thời gian. Giữ gìn những nét văn hóa, những trang phục truyền thống chính là cách chúng ta giữ gìn, bảo tồn bản sắc dân tộc.

4.5/5 - (11 bình chọn)