Quản Bạ Hà Giang có gì chơi
Quản Bạ ở đâu ? Huyện Quản Bạ nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang 46 km về phía Bắc, là huyện thuộc công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Đến với huyện Quản Bạ Hà Giang, du khách sẽ cảm nhận được sự kỳ vĩ của thiên nhiên, khí hậu hài hòa, trong lành, người dân mến khách. Nơi cửa ngõ của Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành một địa chỉ đỏ trong hành trình du khách về với mảnh đất Hà Giang yêu dấu.
Tại xã Quyết Tiến, trên một cánh đồng karst rộng lớn với các chóp, tháp đá vôi sót nằm rải rác, điển hình cho một “cảnh quan karst già” khá hiếm trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Du khách có thể trải nghiệm lĩnh vực du lịch tâm linh tại điểm đến miếu Làng Đán và đền Bình An để cầu cho một hành trình khám phá vùng cao sắp tới an toàn và gặp nhiều may mắn. Tham khảo hướng dẫn cách đi từ Hà Nội đến Hà Giang đi đường nào, bao xa, mất bao lâu
Hay với nhóm đá Thạch Sơn Thần với niên đại hơn 400 triệu năm trước công nguyên được tạo bởi 7 trụ đá gắn kết với nhau giữa một khoảng đất bằng phẳng, nằm đối diện với núi Bạch Mã sừng sững. Thạch Sơn Thần như một biểu tưởng đại diện sức sống mãnh liệt của vùng cao nguyên đá khi bên dưới được trồng xen lẫn loại hoa tam giác mạch.
Ngoài ra, du khách có thể tham quan hớn 100 hiện vật là sách cổ, vật dụng lao động sản xuất của người dân tộc Bố Y đang được trưng bày, lưu giữ tại nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Bố Y, thôn Nậm Lương.
Ngược theo Quốc Lộ 4C hướng trung tâm huyện Quản Bạ. Dừng chân nơi Cổng trời hiên ngang được coi là cánh cửa mở ra một vùng đất tươi mới, du khách sẽ được ngắm trọn bản làng bình yên Nặm Đăm, Trúc Sơn, Pản Hò xã Quản Bạ. Hay tại Trạm thông tin Cổng trời, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thị trấn trẻ Tam Sơn, với vẻ đẹp đến lạ thường của núi đôi Cô tiên. Ngay cả lúc bình mình vừa chớm, hay khi hoàng hôn bắt đầu lặn. Dáng vẻ kỳ kỳ, ngộ ngộ của núi Cô tiên đã tạo ra một nét đẹp độc đáo như một “sở hữu riêng” mà thiên nhiên ban tặng cho Quản Bạ.
Có lẽ hành trình đến huyện Quản Bạ, du khách không thể bỏ lỡ chuyến tham quan và lưu trú tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ. Đây là ngôi làng vẫn giữ nguyên vẹn những kiến trúc nhà ở cổ xưa, truyền thống của người dân tộc Dao.
Khi đến đây du khách có thể thỏa mình trải nghiệm ở trong những ngôi nhà homestay truyền thống, những bungalow được trình vuông vắn bằng đất đỏ, những resort mới và cũng có nét rất riêng. Và cùng thưởng thức những vị đặc trưng của các món ăn đặc sản của người bản địa. Đắm say với các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống lễ cấp sắc, nghề trạm bạc, nghề thêu vải truyền thống vẫn được đồng bào gìn giữ.
Cao nguyên đệ nhất động Lùng Khúy tọa lạc tại thôn Lùng Khúy, xã Quản Bạ cũng là điểm đến thú vị cho sự trải nghiệm về hệ thống đứt gãy trên mặt đá vôi trong hang động này. Sau hàng trăm triệu năm từng giọt nước nhỏ đã kiên nhẫn tạo thành những khối nhũ đá lớn. Khi vào tham quan động Lùng Khúy du khách có thể bắt gặp được rất nhiều dạng thạch nhũ như: Chuông đá, măng đá, cột đá trải dài hơn 400m chiều dài của hàng động, với rất nhiều hình dạng khác nhau mà theo trí tưởng tượng và góc độ thưởng lãm của riêng mỗi người sẽ mang lại những cảm nhận và sắc thái khối hình riêng.
Đến với Hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám và Cán Tỷ tại 02 xã Lùng Tám và Cán Tỷ, du khách sẽ được hòa mình và trải nghiệm với 12 công đoạn để ra các sản phẩm từ vải lanh truyền thống của dân tộc Mông. Những đôi tay tách sợi khéo léo, cót két tiếng khung cửi dệt, hay tỉ mỉ tại công đoạn vẽ sáp ong. Đến nay, tại 02 HTX trên đã có nhiều sản phẩm như: quần áo, khăn, túi xách, ví được làm bằng vải lanh truyền thống được khách du lịch lựa chọn và yêu thích.
Tại huyện Quản Bạ còn rất nhiều điểm đến thú vị và lý tưởng như: Mặt trượt đứt gãy Tam Sơn, chợ đêm Thái An, du lịch biên giới xã Cao Mã Pờ, khu nghỉ dưỡng H’Mông, tường thành Cán Tỷ… Và nhiều lễ hội độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc được tái hiện như: Lễ hội dệt lanh, lễ hội Bố Y, lễ hội bắt cá, lễ hội Gầu Tào.
Huyện Quản Bạ, miền sơn cước đó từ sự vắt vẻo, cheo leo, độc đáo của những điểm di tích, danh lam thắng cảnh đã trở thành địa chỉ đỏ để những chuyến đi của du khách có những trải nghiệm khó quên về huyện cửa ngõ Cao nguyên đá Đồng Văn. Một vùng đất với những gam màu của một bức tranh hài hòa từ cảnh, sắc, thiên nhiên, con người.
Để tiếp tục phát triển lĩnh vực du lịch tại huyện Đảng bộ huyện Quản Bạ đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025 với những chiến lược, tầm nhìn lâu dài, UBND huyện Quản Bạ ban hành kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch trải nghiệm gắn với phát triển các sản phẩm truyền thống của người dân tộc bản địa. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu, xúc tiến du lịch. Quan tâm đến nhiệm vụ bảo vệ địa mạo, địa chất, sửa chữa, tôn tạo các điểm di tích, điểm du lịch đảm bảo hài hòa không phá vỡ cảnh quan trong công viên địa chất toàn cầu.